Mạng xã hội trong những ngày qua đã xuất hiện vô số video và hình ảnh, về tình trạng ùn tắc nghiêm trọng ở các đô thị lớn, đặc biệt ở Hà Nội và Sài Gòn. Đây được cho là hệ quả của Nghị định 168 của Chính phủ.
Việc Nghị định 168 có hiệu lực thi hành một cách chóng vánh, trước thời hạn quy định, đã vấp phải phản ứng dữ dội của người dân. Nhiều ý kiến cho rằng, người dân đã không có đủ thời gian để chuẩn bị, và nhà nước cũng không có đủ thời gian để áp dụng thực hiện. Từ đó đã gây ra nhiều hệ quả tiêu cực đối với đời sống xã hội.
Nghị định 168 áp đặt các quy định xử lý mới nhưng bất cập về mức độ xử phạt quá cao đối với người vi phạm. Trong khi được ban hành một cách chóng vánh không có sự tham vấn đầy đủ từ các bên liên quan. Điều này đã khiến số đông dân chúng bất ngờ.
Một số quy định trong Nghị định 168 được cho là thiếu tính khả thi, không phù hợp với thực tế, và gây khó khăn cho người dân. Đây chính là lý do, sự bất mãn của người dân tăng lên nhanh chóng. Đa số các ý kiến đều cho rằng Nghị định này không phù hợp, và mang tính tận diệt người dân.
Ngày 12/1, truyền thông nhà nước đồng loạt đưa tin: “Cục Cảnh sát giao thông giải thích lý do Nghị định 168 được ban hành nhanh chóng”. Theo đó, Nghị định 168/2024 được ban hành theo thủ tục rút gọn, do đó, không cần chờ 45 ngày như quy định. Với lý do, “tính chất cấp thiết liên quan đến tình hình trật tự an toàn giao thông”, vì thế nên các cơ quan có thẩm quyền đã “quyết định ban hành nghị định theo trình tự rút gọn”.
Đại diện của Bộ Công an đã dẫn Điều 151 của Luật Ban hành văn bản, cho phép ban hành các văn bản quy phạm pháp luật theo trình tự rút gọn. Cụ thể là, những văn bản này có thể có hiệu lực ngay lập tức kể từ ngày ký, hoặc trước thời gian ngắn hơn 45 ngày theo Quy định của Chính phủ.
Tuy nhiên, giới chuyên gia khẳng định, để được ban hành theo trình tự rút gọn, văn bản pháp luật phải nằm trong các trường hợp được quy định bởi điều 146 của Luật này. Đó là, trong “trường hợp khẩn cấp trong phòng, chống thiên tai, dịch bệnh, cháy, nổ…” mà thôi.
Không rõ, lý do “tính chất cấp thiết liên quan đến tình hình trật tự an toàn giao thông” mà đại diện của cục Cảnh sát giao thông đưa ra nhằm bao biện cho việc ban hành Nghị định 168 theo thủ tục rút gọn, nằm ở đâu trong số các trường hợp trên?
Hơn nữa, Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ mới nhất đã được Quốc hội Khóa 15 thông qua hồi tháng 6/2024. Như vậy, có nghĩa là, Bộ Công an đã có hơn 6 tháng để xây dựng Nghị định 168, để hướng dẫn thực thi luật mới. Nhưng cơ quan này không đưa ra giải thích vì sao họ chờ tới những ngày cuối cùng của năm 2024 mới ban hành Nghị định trên.
Giới thạo tin đưa ra suy đoán, việc Nghị định 168 vấp phải phản ứng dữ dội của người dân, có sự liên quan của phe Hà Tĩnh. Theo đó, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà là người thay mặt cho Chính phủ đặt bút ký Nghị định này. Ông Trần Hồng Hà là người từng đối mặt với “bản án” kỷ luật của ông Tô Lâm và đã thoát tội một cách bí ẩn và ngoạn mục.
Được biết, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà là một nhân vật quan trọng trong hệ thống chính trị Việt Nam, với sự nghiệp gắn liền với lĩnh vực tài nguyên và môi trường. Ông Hà cũng được xem là một lãnh đạo có vai trò đáng kể trong phe Hà Tĩnh, của Thường trực ban Bí thư Trần Cẩm Tú.
Đây là một trong những phe nhóm chính trị, được cho là có sự hậu thuẫn đáng kể của cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng khi sinh thời. Và cũng là một trong những phe nhóm “bảo thủ” trong Đảng thân Trung Quốc đang âm thầm chống lại Tổng Bí thư Tô Lâm.
Trà My – Thoibao.de